CUỘC THI “TÌM KIẾM GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA - VIET SOLUTIONS” NĂM 2022
08/09/2022
Ngày 22/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức phát động Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions” năm 2022.
Viet Solutions là cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Cục Tin học hóa và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đồng tổ chức, từ năm 2022 có sự tham gia đồng hành của Công ty Galaxy Digital, cùng sự tham gia bảo trợ truyền thông của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Báo VietNamNet, Báo Vnexpress và Tạp chí Thông tin và Truyền thông.
Viet Solutions 2022 cũng nhận được sự hưởng ứng đồng hành của rất nhiều cơ sở đào tạo Đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính, viễn thông, Học viện Nông nghiệp, các Trường Đại học: Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Bách Khoa Đà Nẵng, Duy Tân Đà Nẵng và Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khái quát và đưa ra nhận thức rằng: “Câu hỏi đúng thì quan trọng hơn câu trả lời, bài toán tường minh thì quan trọng hơn lời giải. Việc khó với mình thì có thể là không khó với một ai đấy ngoài kia. Bởi vậy mà cách tốt nhất để phát triển là công khai bài toán của mình, công khai vấn đề của mình.” Vì vậy, Viet Solutions là nơi tập hợp các bài toán, các vấn đề chuyển đổi số Việt Nam. Viet Solutions cũng là nơi tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp cho chuyển đổi số Việt Nam.
Với tinh thần đó, Ban Tổ chức đã đưa ra mục tiêu cụ thể và giá trị giải thưởng lên đến gần 2 tỷ đồng để khích lệ mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân cùng tham gia đặt bài toán và giải bài toán cho Chuyển đổi số quốc gia.
Mục tiêu của Cuộc thi năm 2022 là:
1- Tìm kiếm và công bố các bài toán chuyển đổi số Việt Nam ở các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
2- Tìm kiếm và trao giải cho cặp bài toán và cách làm mới xuất sắc cho ngành.
3- Tìm kiếm và trao giải cho các cặp bài toán và giải pháp xuất sắc cho địa phương.
4- Tìm kiếm và trao giải cho các cặp bài toán và giải pháp xuất sắc cho doanh nghiệp.
5- Tìm kiếm và trao giải cho các cặp bài toán và giải pháp xuất sắc cho các dự án về cộng đồng.
Giải thưởng thì hữu hạn, nhưng ý tưởng và sự sáng tạo là vô hạn. Đến thời điểm phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được 30 bài toán từ các tổ chức, cá nhân và đăng tải trên trang https://c63.mic.gov.vn. Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, các Hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, các trường đại học, các tổ chức, cá nhân và người dân hãy tham gia, người thì đặt bài toán, người thì nêu vấn đề của mình, người thì đưa ra ý tưởng, người giải bài toán. Không phân biệt bài toán lớn hay bài toán nhỏ, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, không phân biệt cá nhân, tổ chức trong nước hay cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Cuộc thi được tổ chức thành 03 vòng thi, gồm vòng sơ loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Để tiến sâu vào các vòng trong, thì việc đặt bài toán một cách tường minh là đặc biệt quan trọng. Bài toán phải đầy đủ các thông tin chi tiết về tổng quan, quy mô thị trường, thực trạng và mong muốn lời giải. Trong đó, quy mô thị trường sẽ cho thấy mức độ hấp dẫn, tạo động lực và nguồn lực khi tham gia giải bài toán.
Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các tổ chức, cá nhân hưởng ứng cuộc thi, cụ thể:
- Các bộ, ngành, địa phương hãy đưa ra các bài toán, đăng ký bài toán của mình trên trang thông tin điện tử về “Bài toán chuyển đổi số” và lan tỏa các câu chuyện chuyển đổi số thành công trên trang thông tin điện tử về câu chuyện chuyển đổi số; vận động các doanh nghiệp trong ngành và tại địa phương cùng tham gia Cuộc thi, nộp hồ sơ trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Cuộc thi.
- Bộ Ngoại giao thông báo đến Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để phổ biến việc tìm kiếm bài toán và tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam.
- Các Hội, hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp và hội viên biết và tham gia giải các bài toán.
- Các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo trong cả nước khuyến khích tinh thần khởi nghiệp bằng cách phổ biến tới các em sinh viên để các em sinh viên chủ động lựa chọn, tìm kiếm lời giải cho các bài toán.
- Các Tập đoàn, Tổng công ty đưa ra bài toán của mình và kể câu chuyện thành công của mình để cùng nhau chuyển đổi số, tích cực, chủ động trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Các cơ quan, báo chí truyền thông hãy truyền đi ý nghĩa và thông điệp Cuộc thi để toàn thể cộng đồng, người dân Việt Nam cùng tham gia hưởng ứng.
Đến nay là năm thứ 3, cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions được chủ trì bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Mỗi năm đều có những thay đổi mới để tạo ra nhiều hơn không gian sáng tạo và khuyến khích sự tham gia của đông đảo các tổ chức, cá nhân. Viet Solutions 2020, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Cục Tin học hóa và Viettel đồng tổ chức, đặt ra mục tiêu tìm kiếm giải pháp hoàn thiện, chưa phổ biến, nhưng có tiềm năng lớn và nhận được 343 sản phẩm từ 23 quốc gia tham dự. Năm 2021, Cuộc thi thêm không gian mới là “Tìm kiếm ý tưởng giải quyết” và lần đầu tiên đưa ra 10 bài toán cụ thể để tìm kiếm giải pháp và ý tưởng.
Năm nay, Viet Solutions 2022, có thêm sự đồng hành của Công ty Galaxy Digital Holdings, cùng sự đồng hành của nhiều trường đại học và bảo trợ của 5 cơ quan báo chí truyền thông. Về cơ cấu, có thêm không gian cho “Cách triển khai độc đáo mang lại kết quả đột phá”, và đặc biệt là “Trao giải cho tổ chức, cá nhân nêu ra được bài toán”.
* Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 22/7/2022 đến ngày 30/8/2022.
TÓM TẮT QUY CHẾ CUỘC THI
Tên gọi:
Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia – Viet Solutions” (gọi tắt là Cuộc thi).
Mục đích tổ chức:
1. Tìm kiếm và công bố các bài toán về chuyển đổi số Việt Nam ở các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
2. Tìm kiếm và trao giải cho cặp bài toán và cách làm mới xuất sắc cho ngành.
3. Tìm kiếm và trao giải cho các cặp bài toán và giải pháp xuất sắc cho địa phương.
4. Tìm kiếm và trao giải cho các cặp bài toán và giải pháp xuất sắc cho doanh nghiệp.
5. Tìm kiếm và trao giải cho các cặp bài toán và giải pháp xuất sắc cho các dự án về cộng đồng.
Đối tượng tham gia:
Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có bài toán và giải pháp phù hợp với mục đích của Cuộc thi.
Cơ quan chủ trì:
Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tin liên hệ: Địa chỉ số 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại 0243.556.3461.
Đơn vị tổ chức và đơn vị đồng hành tổ chức:
- Cục Tin học hóa. Thông tin liên hệ: Địa chỉ tầng 21 tòa nhà VNTA, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 0243.7821766, email: vanthucucud@mic.gov.vn.
- Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel
- Công ty TNHH Galaxy Digital Holdings (Galaxy Digital Holdings Co. Ltd).
Cơ cấu giải thưởng
1. Bài toán chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp xuất sắc nhất: 01 giải, 200 triệu đồng.
2. Bài toán và giải pháp CĐS tại các bộ, ngành xuất sắc nhất: 2 giải x 200 triệu, tổng là 400 triệu đồng (2 giải trao cho người đưa ra bài toán và người có giải pháp giải bài toán).
3. Bài toán và giải pháp CĐS tại địa phương xuất sắc nhất: 2 giải x 200 triệu, tổng là 400 triệu đồng (2 giải trao cho người đưa ra bài toán và người có giải pháp giải bài toán).
4. Bài toán và giải pháp CĐS tại doanh nghiệp xuất sắc nhất: 02 giải x 200 triệu, tổng là 400 triệu đồng (2 giải trao cho người đưa ra bài toán và người có giải pháp giải bài toán).
5. Bài toán và giải pháp CĐS cho các dự án vì cộng đồng xuất sắc nhất : 2 giải x 200 triệu, tổng là 400 triệu đồng (2 giải trao cho người đưa ra bài toán và người có giải pháp giải bài toán).
Tổng giá trị các giải thưởng: 1,8 tỷ VNĐ
Đăng ký tham gia
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến qua Cổng thông tin Cuộc thi tại địa chỉ https://vietsolutions.net.vn/.
2. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất bài toán
- Tên, vai trò, quá trình học tập và kinh nghiệm công tác của tất cả thành viên trong nhóm đề xuất bài toán;
- Danh sách đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện bài toán.
b) Thông tin về bài toán
Thông tin về bài toán được trình bày dưới dạng slide thuyết trình, tập trung vào những nội dung sau đây:
- Tên bài toán;
- Mô tả chi tiết bài toán (quy mô thị trường, tập đối tượng mục tiêu, thực trạng, vấn đề hiện hữu…);
- Mô tả lời giải, giải pháp;
- Kế hoạch triển khai;
- Sản phẩm mẫu, sản phẩm đang chạy thử, khách hàng (nếu có);
- Thông tin khác.
c) Một đoạn video từ 1-3 phút truyền tải được các nội dung thực tế của bài toán.
Phương thức tổ chức
1. Cuộc thi gồm 03 vòng thi.
a) Vòng thi thứ nhất: Sơ loại
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký và gửi trực tuyến nội dung đề xuất bài toán chuyển đổi số, giải pháp công nghệ mới hoặc nền tảng chuyển đổi số qua Cổng thông tin Cuộc thi tại địa chỉ: https://vietsolutions.net.vn/.
- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các cuộc họp Hội đồng chấm thi Vòng Sơ loại cho từng hạng mục (tổng cộng tối đa 100 giải pháp) để tiến vào vòng Bán kết và truyền thông rộng rãi từ 10 đến 20 giải pháp xuất sắc cho mỗi hạng mục trên do Hội đồng chấm thi đánh giá, lựa chọn lên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Vòng thi thứ hai: Bán kết
- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các cuộc họp Hội đồng chấm thi Vòng Bán kết cho từng hạng mục.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có giải pháp được lựa chọn vào Vòng
Bán kết tham gia thuyết trình trực tiếp đề án của mình và phản biện với Hội đồng Chấm thi.
- Hội đồng chấm thi lựa chọn ra 05 giải pháp xuất sắc nhất trong từng hạng mục (tổng cộng 25 giải pháp) tiến vào Vòng Chung kết.
c) Vòng thi thứ ba: Chung kết
- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các cuộc họp Hội đồng chấm thi Vòng Chung kết cho từng hạng mục.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có giải pháp được lựa chọn vào Vòng Chung kết sẽ trải qua ba phần thi:
+ Phần thi thứ 1: Các đội thi giới thiệu về Giải pháp của mình trước hội đồng chấm thi.
+ Phần thi thứ 2: Mỗi đội thi được Hội đồng chấm thi đặt ra một tình huống thử thách trong quá trình vận hành giải pháp. Nhiệm vụ của đội thi là đưa ra phương án tối ưu nhất để giải quyết và thuyết phục Hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thi lựa chọn 03 đội thi có giải pháp xuất sắc nhất để tiến vào Vòng 3.+ Phần thi thứ 3: 03 đội thi sẽ phản biện với Hội đồng chấm thi và 02 đội thi còn lại.
Hội đồng chấm thi sẽ căn cứ vào phần trình bày và phản biện của các đội thi trong 3 phần thi để lựa chọn từ 01 đến 02 đội thi có giải pháp xuất sắc nhất tùy từng hạng mục.
2. Hoạt động bên lề
a) Hoạt động bên lề trong khuôn khổ Vòng Sơ khảo
- Họp báo phát động cuộc thi;
- Chuỗi 03 Webinar đào tạo về phân tích quy mô thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh, thiết kế sản phẩm mẫu;
- 01 buổi giao lưu giữa đội thi với các Bộ ngành, địa phương, đơn vị đồng hành và doanh nghiệp.
b) Hoạt động bên lề trong khuôn khổ Vòng Chung khảo
Chuỗi Camping Day diễn ra trong 2 ngày với mục tiêu:
+ Đào tạo cho 30 đội thi vào Vòng Chung khảo về kỹ năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm;
+ Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các Bộ/Ban/Ngành, địa phương, doanh nghiệp với các đội thi.
c) Lễ trao giải
- Lễ vinh danh và trao giải cho các đội thi xuất sắc;
- Triển lãm trưng bày sản phẩm, giải pháp của các đội thi trong vòng chung khảo.
Phương thức đánh giá
1. Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đánh giá. Trong đó:
- Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Thành viên thường trực Hội đồng: Lãnh đạo Cục Tin học hóa.
- Thành viên Hội đồng: các chuyên gia chuyển đổi số từ các bộ, ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực Chuyển đổi số.
2. Các tiêu chí đánh giá và thang điểm đánh giá do Hội đồng đánh giá xây dựng và ban hành.
3. Hội đồng tổ chức đánh giá, chấm điểm từng hạng mục theo các tiêu chí và thang điểm đã ban hành.